Source (daibieunhandan.vn)
VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Chuyện Nguyễn Trực và Trịnh Thiết Trường đi sứ
Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần
Time: 27/03/2009
Time: 27/03/2009
Trong phần Tùng đàm của sách Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn đã chép lại nhiều chuyện tục truyền khá thú vị. Dưới đây là một trong những chuyện tục truyền khá thú vị ấy, kèm theo lời bàn cuối chuyện rất xác đáng của Bảng nhãn Lê Quý Đôn:
"Tục truyền, vào niên hiệu Thái Hòa(1), Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường và Trạng nguyên Nguyễn Trực vâng mệnh triều đình đi sứ sang Trung Quốc. Gặp lúc ấy, triều đình Trung Quốc cũng mở khoa thi và hạ lệnh cho bồi thần các nước được cùng với các Cử nhân của Trung Quốc dự thi. Vào trường thi, khi vừa mới làm bài được chừng một nửa, Trịnh Thiết Trường liền nói với Nguyễn Trực rằng:
Tôi nghĩ đỗ đầu khoa này chỉ có tôi hoặc ông thôi. Nhưng tôi được chỗ đắc ý, sợ ông khó sánh kịp. Khi ở nước nhà, tôi chỉ đỗ Bảng nhãn còn ông đỗ Trạng nguyên, nay nếu tôi chiếm ngôi trên, hẳn là triều đình sẽ trách cứ quan trường trước kia đã chấm văn không tinh. Ý ông thế nào?
Nguyễn Trực nói:
Xin đa tạ tấm lòng của bác. Bác đã thực lòng nhún nhường thì xin bác hãy giảm bớt bút lực, khiến cho hai người cùng được giữ danh thứ giống như xưa là hay hơn cả.
馬 Trịnh Thiết Trường nhận lời. Bài văn của Trịnh Thiết Trường có câu: "Nam chi chu, Bắc chi mã"(2), Trịnh Thiết Trường bèn xóa chữ mã (???!!!) và viết lại, thay vì đủ bốn nét chấm, Trịnh Thiết Trường chỉ viết có ba nét chấm thôi. Khảo quan xét duyệt quyển thi, thấy các quyển đều kém cỏi, chỉ có quyển của Trịnh Thiết Trường đáng đỗ Trạng nguyên và quyển của Nguyễn Trực đáng đỗ Bảng nhãn. Nhưng, vì bài của Thiết Trường viết nhầm một chữ, lại dám cho ngựa phương Bắc ba chân là ngựa què, tức có ý khinh nhờn Trung Quốc, nên họ bèn thay đổi, lấy Nguyễn Trực đỗ Trạng Nguyên hai nước và Thiết Trường đỗ Bảng nhãn hai nước, cùng cho được hưởng lệ vinh quy.
Khi tạ ơn để ra về, thiên triều cũng ban cho áo gấm, hốt vàng, lọng, dù và cả ngựa tốt nữa. Nguyễn Trực được lên ngựa trước, Trịnh Thiết Trường lên ngựa sau. Ngựa của Trịnh Thiết Trường bị buộc một chân trước, khiến cho cái chân trước đó phải co lên, nhưng thiên triều vẫn bắt Trịnh Thiết Trường phải để nguyên dây buộc mà đi, nếu không đi được thì Trịnh Thiết Trường sẽ bị bắt giữ lại. Trịnh Thiết Trường vẫn giữ thái độ bình tĩnh như không. Ông sai người đẽo ván thành hình chân trước của ngựa, tháp vào rồi lấy dây buộc chặt lại, xong, ông còn lấy dây sắt cột thêm vào cho thật chắc. Trịnh Thiết Trường lên ngựa và ra roi. Ngựa vẫn chạy được, vì một chân trước bị cột co lên đã có chân gỗ chống đỡ tạm. Đi được chừng hơn một dặm, thiên triều khen Trịnh Thiết Trường có tài ứng biến, liền sai người tới cởi chân ngựa đã bị buộc ra, cho được cùng với Trạng Nguyên Nguyễn Trực theo thứ tự mà trở về nước.
Lời tục truyền này rất vô lý, thật đáng cười. Nhưng sở dĩ có người đặt ra chuyện này là bởi họ thấy trong tập biểu văn của quốc triều có bài Nghĩ bài biểu tạ ơn thiên triều đã cho Nguyễn Trực đỗ Trạng Nguyên, lại còn ban cho áo mũ, đai và hốt, họ cứ tưởng là có thật nên mới bịa ra câu chuyện quê kệch đó mà thôi. Sự thực, Thánh Tông Thuần Hoàng Đế(3) vì rất quý trọng Nguyễn Trực nên đã bỡn cợt ra đề ấy để Nguyễn Trực làm chớ nào có phải là đúng như chuyện kể đâu?"
Lời bàn: Lời bàn viết ở cuối chuyện của Lê Quý Đôn quả là rất xác đáng, nếu không phải là bậc cẩn trọng, quyết không ai có thể cất công tra cứu sách vở để biện bác rõ ràng như thế. Song, chuyện vẫn là chuyện của bao đời, bởi vì chính nó có cái vẻ bề ngoài khá hợp lý. Kẻ nông cạn thường chỉ có thể xét đoán mọi sự từ cái vẻ hợp lý bề ngoài ấy thôi. Oái oăm thay, kẻ nông cạn thì đông mà bậc cẩn trọng, sâu sắc thì ít. Vô hại như chuyện này chẳng sao chớ chuyện hại nhau mà cũng được khéo léo giấu trong cái vỏ hợp lý bề ngoài như thế này thì nguy hiểm biết chừng nào. Cho nên, hãy cảnh giác, hỡi tất cả những ai thích nghe đàm tiếu chuyện đời!
1. Tức từ năm 1443 đến năm 1453.
2. Nghĩa là thuyền phương Nam, ngựa phương Bắc.
3. Tức Hoàng đế Lê Thánh Tông (1460-1497)
No comments:
Post a Comment